Dính trong tử cung (IUA) là một bệnh phụ khoa phổ biến phát triển do nhiễm trùng hoặc chấn thương. IUA có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và có thể dẫn đến các triệu chứng như thiểu kinh hoặc thậm chí vô sinh. Hiện nay, phẫu thuật tách dính tử cung qua nội soi (TCRA) là phương pháp điều trị chính cho IUA. Dù vậy, hiệu quả của nó trong việc ngăn ngừa tái phát dính và bảo tồn khả năng sinh sản còn hạn chế. Bài viết này tổng hợp một số thông tin liên quan đến dính buồng tử cung và chiến lược điều trị mới nhằm duy trì tính toàn vẹn của nội mạc tử cung sau tách dính.
Dính trong tử cung (IUA)

Dính trong tử cung (IUA), hay còn được gọi là hội chứng Asherman (AS), đề cập đến tổn thương nội mạc tử cung do nhiễm trùng, chấn thương và phẫu thuật, nạo hút thai hoặc một số lý do khác. Bệnh IUA có thể khiến khoang tử cung và/hoặc cổ tử cung bị đóng hoàn toàn hoặc một phần do xơ dính, dẫn đến giảm lượng kinh nguyệt, vô kinh, đau bụng dưới định kỳ, vô sinh thứ phát, sẩy thai tái phát, v.v. Một số bệnh nhân IUA mang thai thành công thậm chí có thể có các triệu chứng như dính nhau thai hay sinh non. Tất cả những triệu chứng lâm sàng này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Dính trong tử cung diễn ra như thế nào?
IUA xuất hiện khi lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương do bất kỳ nguyên nhân nào và quá trình tái tạo nội mạc tử cung bị cản trở. IUA là sự hình thành các mô sợi không có nguồn cung cấp máu nối giữa các thành tử cung với nhau.
Nguyên nhân gây ra kinh nguyệt bất thường do IUA có thể là do lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương nặng và nội mạc tử cung không có khả năng tái tạo, dẫn đến lượng kinh nguyệt giảm và thậm chí là vô kinh. Đau bụng dưới định kỳ có thể phát sinh do sự bám dính ở cổ tử cung, khiến máu kinh không thể chảy ra ngoài dễ dàng. Sau đó, máu kinh trào ngược có thể góp phần tích tụ máu trong ống dẫn trứng hoặc thậm chí khoang chậu, dẫn đến đau bụng dưới.
Vô sinh thứ phát có thể liên quan đến việc tinh trùng không thể đi vào khoang tử cung do dính cổ tử cung hoặc dính trong tử cung và độ dày của nội mạc tử cung không đủ để hỗ trợ trứng đã thụ tinh làm tổ. Mặc dù IUA không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó gây ra những rắc rối nghiêm trọng về sinh lý và tâm lý cho một số lượng đáng kể phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, và do đó việc phòng ngừa dính buồng tử cung sau can thiệp là một vấn đề cần được hết sức quan tâm.

Việc điều trị IUA toàn diện bao gồm khôi phục lại hình dạng bình thường của khoang tử cung, giảm tỷ lệ tái phát dính, hỗ trợ sửa chữa nội mạc tử cung và cải thiện khả năng sinh sản của bệnh nhân mắc IUA. Phẫu thuật nội soi tách dính qua cổ tử cung (TCRA) là phương pháp phẫu thuật được ưu tiên để điều trị IUA do độ chính xác và mức độ xâm lấn tối thiểu của nó.
Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ có thể tách rời các tổ chức xơ dính mà không giúp sửa chữa lớp nội mạc tử cung, TCRA thậm chí có thể gây tổn thương thêm cho mô nội mạc tử cung còn sót lại. Tỷ lệ tái phát IUA ở bệnh nhân IUA nặng sau TCRA cao tới 20–62,5%. Vì vậy, làm thế nào để ngăn ngừa sự bám dính sau phẫu thuật ở bệnh nhân IUA và làm thế nào để thúc đẩy quá trình tái tạo nội mạc tử cung bị tổn thương nhằm cải thiện khả năng sinh sản là những vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết.

Tóm lại, IUA là một tình trạng dù không cấp tính nhưng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng trên bệnh nhân, đặc biệt là nhóm bệnh nhân đang trong độ tuổi sinh đẻ hoặc mong muốn mang thai. Tuy nhiên, trước đây vấn đề này thường không được các bác sĩ hoặc bệnh nhân chú ý đến. Hiện nay, với sự phát triển của y học và nguyên tắc “lấy người bệnh làm trung tâm”, rất nhiều hướng dẫn điều trị và báo cáo khoa học của các tổ chức, hiệp hội y khoa lớn và có uy tín trên thế giới như ESGE, SOGC, Bologna, ANGEL hay cả Bộ Y tế cũng đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng các tác nhân chống dính bên cạnh việc tuân thủ tuyệt đối các thao tác phẫu thuật và khuyến cáo bệnh nhân vận động sớm.
Tài liệu tham khảo:
Ma, J., Zhan, H., Li, W. et al. Recent trends in therapeutic strategies for repairing endometrial tissue in intrauterine adhesion. Biomater Res 25, 40 (2021). https://doi.org/10.1186/s40824-021-00242-6