Theo thống kê, mỗi ngày tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đón tiếp hàng trăm bệnh nhân đến khám và tư vấn về vấn đề vô sinh, hiếm muộn. Trong đó, mỗi tháng phát hiện khoảng 10-20 trường hợp dính buồng tử cung.
Ví dụ như trường hợp vợ chồng chị P. đến bệnh viện khám vô sinh vào tháng 2/2020. Trước đó, chị P. đã từng sinh con một lần, sau đó bị lưu thai 2 lần khi thai khoảng 8-10 tuần tuổi, phải làm thủ thuật hút thai. Sau đó trong suốt 10 năm, chị P không thể có thai.
Hai vợ chồng chị P. đã đi khám tại nhiều cơ sở khác nhau và được biết chị P. bị dính buồng tử cung. Chị P. đã được tiến hành phẫu thuật tách dính buồng tử cung 3 lần tại 2 bệnh viện khác nhau nhưng không thành công. Thậm chí, sau mỗi lần mổ, buồng tử cung của chị còn bị dính nhiều hơn. Hai vợ chồng chị đến khám và mong muốn được phẫu thuật thêm một lần nữa với tâm thế thử tìm vận may.
Theo ThS.BS. Trịnh Thị Thúy – chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, qua thăm khám cho thấy, buồng tử cung của chị P, bị dính ở vị trí giữa buồng, với diện tích dính chiếm trên 1/3 buồng tử cung, dải dính dày, phân loại mức độ dính trung bình.
Để tránh tái dính cho lần sau, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi buồng tử cung tách dính kết hợp bơm Gel chống dính Hyaluronic Acid. Kết quả, sau 2 chu kỳ kinh, chụp lại tử cung vòi trứng, buồng tử cung hoàn toàn bình thường, không có hiện tượng tái dính. Hai vợ chồng chị P đã quyết định sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, cuối cùng cũng đã có được em bé.
Bác sĩ Thúy cho biết, dính buồng tử cung là biến chứng thường gặp ở các chị em trong độ tuổi sinh sản. Hiện tượng này xảy ra khi niêm mạc buồng tử cung bị mất đi khiến lớp dưới niêm mạc ở hai bên thành tử cung lộ ra, tạo nên các dải dính, ngăn chặn sự tái tạo bình thường của nội mạc tử cung sau mỗi chu kì kinh nguyệt.
Khi buồng tử cung bị dính sẽ làm cho diện tích buồng tử cung hẹp lại, ngăn cản sự làm tổ của phôi thai. Có khoảng 1,5%-3% bệnh nhân được chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn là do nguyên nhân này.
Dính buồng tử cung mức độ nhẹ thường không có triệu chứng nhận biết, chỉ phát hiện khi siêu âm tử cung phần phụ với dấu hiệu niêm mạc tử cung mất sự liên tục hoặc khi bệnh nhân siêu âm bơm nước, siêu âm 3D buồng tử cung, hay chụp X-quang tử cung vòi trứng thấy dính. Nếu dính buồng tử cung từ trung bình đến nặng, triệu chứng phổ biến nhất là lượng máu kinh đột ngột ra ít hoặc vô kinh sau một can thiệp vào buồng tử cung như nạo hút thai, nạo polyp hoặc nạo niêm mạc buồng tử cung. Nếu bệnh nhân bị dính hoàn toàn ống cổ tử cung, sẽ có hiện tượng bế kinh.
Về các biện pháp điều trị, bác sĩ Thúy cũng cho biết có thể điều trị bằng phương pháp nong buồng tử cung tách dính hoặc phẫu thuật soi buồng tử cung cắt dính. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị vẫn còn là một thách thức của chuyên ngành phụ khoa và hỗ trợ sinh sản do khả năng tái dính cao, có thể lên tới 48%-70%.
Hiện nay, y học đã phát triển áp dụng kỹ thuật bơm Gel chống dính Hyaluronic Acid vào buồng tử cung sau phẫu thuật, kết hợp với liệu pháp hormone. Sau khi sử dụng, kết quả cho thấy thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn hơn, chỉ 2-3 ngày là có thể xuất viện. Rất nhiều bệnh nhân đã có hiệu quả điều trị cao, tỷ lệ tái dính sau phẫu thuật thấp.
Theo thống kê, có khoảng 70%-80% bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng phương pháp này. Bệnh nhân không bị tái dính buồng tử cung sau phẫu thuật. Tỷ lệ có thai sau phẫu thuật đạt 50%-60%. Bệnh nhân hoàn toàn có khả năng có thai tự nhiên sau phẫu thuật tách dính nếu những vấn đề sức khỏe sinh sản khác của 2 vợ chồng bình thường.
Nếu các cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn hoặc chuẩn bị mang thai nhưng trước đó từng can thiệp nạo hút buồng tử cung, có thể đến khám và tiến hành các biện pháp thăm dò tại viện trên để phát hiện sớm dính buồng tử cung và điều trị kịp thời.
Pingback: [Singclean] Tỷ lệ vô sinh sau nạo phá thai ngày một gia tăng - Gel chống dính Singclean